Nuôi đà điểu: Đầu tư lớn nhưng lãi cao
Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015
Đà điểu Châu Phi (Ostrich) là giống chim khổng lồ lớn nhất thế giới, trứng của nó cũng rất to lớn. Đà điểu có khả năng thích nghi với một vùng trải rộng từ 50 độ vĩ Bắc tới 30 độ vĩ Nam có tất cả các loại hình khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm khác nhau. Hiện nay nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, các nước Châu Âu (Israel, Pháp....) và Mỹ đang phát triển mạnh chăn nuôi Đà điểu. Đà điểu được du nhập vào nước ta vào những năm gần đây và được Hội Khuyến Nông – Bộ Nông Nghiệp khuyến khích phát triển chăn nuôi.
Đà điểu là loại động vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, chịu rét, chịu nắng tốt. Nuôi đà điểu từ 10 – 12 tháng có thể bán thương phẩm, nuôi 3 tháng có thế bán con giống.
Đà điểu là loại ăn tạp, thức ăn của chúng chủ yếu là các loại cây, rau cỏ, phụ phẩm từ thóc, gạo… Chuồng nuôi xây dựng đơn giản, xung quanh quây bằng lưới B40 cao 1,5m, đường chạy khoảng 40-50m, diện tích ít nhất 20m2/con, bên trong trồng cây có độ che phủ tạo bóng mát cho đà điểu trú ẩn... Máng ăn bằng gỗ được đóng với kích thước 0,3 x 0,25 x 1,0 m, cố định ở độ cao 0,7 - 0,8 m để đà điểu không dẫm đạp và ăn dễ dàng, đảm bảo 4 - 5 con/1 máng ăn.
Khu vực nuôi đà điểu luôn phải sạch sẽ, nên nuôi cách ly với gia cầm và thủy cầm để tránh lây dịch bệnh. Đà điểu rất sợ tiếng ồn nên trang trại nuôi đà điểu phải tách biệt với khu dân cư và phải trồng nhiều cây xanh thì đà điểu mới nhanh lớn.
Trung bình mỗi năm, đà điểu đẻ 2 lần, mỗi lần từ 40-50 quả trứng, tỷ lệ nở tới 80%. Đà điểu con vừa nở đã nặng trên 1 kg. Đà điểu khoảng 2 tuần tuổi cần phải có đèn sưởi ấm. Đà điểu con từ lúc ra khỏi vỏ cho đến lúc được ba tháng tuổi rất khó nuôi, chúng bị vướng nhiều thứ bệnh và dễ chết, chết nhiều. Đây là nhận xét chung của những ai đã từng nuôi đà điểu không những ở nước ta mà tại nhiều nước trên thế giới, đã có nhiều kinh nghiệm nuôi đà điểu lâu năm cũng vậy. Nuôi đà điểu thương phẩm cho ăn nhiều tăng trưởng nhanh có thể giết thịt từ 10 tháng tuổi. Đà điểu trưởng thành rất cao lớn, con trống cao 2,1-2,75m, nặng 120-150kg; con mái cao 1,75-1,9m, nặng 90-110kg.
Thịt, trứng đà điểu có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn. Da, xương, lông, vỏ trứng của đà điểu cũng có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ… được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Thị trường xuất khẩu đang từng bước được phát triển mở rộng tại một số nước ở châu Âu; da đà điểu đã xuất khẩu, thâm nhập vào thị trường Nam Phi, Hàn Quốc.
Sau khi trừ tất cả các chi phí thì đà điểu cho thu nhập cao gấp 6 lần so với nuôi bò, và gấp nhiều lần so với nuôi lợn, gà, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu là rất lớn. Đà điểu bán thương phẩm trên thị trường hiện nay là 80.000 - 150.000 đồng/kg; trứng đà điểu 150.000/1 quả (trọng lượng 1,2-1,5kg). Mỗi con giống đà điểu mới nở bán được 1,5 triệu đồng, được 3 tháng tuổi bán ra với giá hiện tại 2,2-2,7 triệu đồng, người nuôi trong thời gian trên 8 tháng tuổi đem lại trọng lượng 95-100 kg/con, ước tính trừ các khoản chi phí mỗi con lãi từ 500.000-1 triệu đồng/con.
Rất nhiều hộ nông dân tham gia nuôi đà điểu đã phát tài, giàu có, trong đó đa số các hộ nuôi theo dạng nhận nuôi gia công cho các doanh nghiệp, một số ít đầu tư lập trang trại nuôi để khai thác, phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bà con nên mua đà điểu giống và tìm hiểu quy trình, công nghệ chăn nuôi đà điểu ở Trại Nghiên cứu đà điểu Ba Vì (thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương- Viện Chăn nuôi, Từ Liêm, Hà Nội).
Ở các tỉnh phía Nam, bà con hãy đến Trung tâm giống đà điểu tại Tam Kỳ, Quảng Nam và Trung tâm giống đà điểu tại xã Ninh Phụng, Ninh Hòa (đều thuộc Tổng Công ty Khánh Việt -Khánh Hoà).
Vũ Anh
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét